Chương 15
Phật Giáo và Niết Bàn
Niết Bàn là mục tiêu cuối cùng của người tu Phật. Người tu vì sợ sự thống khổ bởi phiền não gây ra. Nên chi quí Ngài hành để đến Niết Bàn là nơi không còn Phiền não, hay để diệt trừ tàn tuyệt, hoặc giụi tắt hẳn được ngọn lửa Tham Lam, Sân Hận và Si mê.
Vì Niết Bàn là mục tiêu chính yếu của Phật giáo, nên thật khó hiểu được. Tôi (soạn giả) không dám nói rằng đoạn sách ngắn như thế này có thể giải thích rõ được ý nghĩa của Niết Bàn hầu chư độc giả, nhưng tôi xin cố gắng hết sức mình để giải thích, xin trích trong nhiều đoạn kinh khác nhau, trong Tam tạng và trong bộ Mi-lan-đà, vấn nạn Ðại đức Na-tiên Tỳ kheo. Mong rằng đem lại phần nào hữu ích cho quí vị và xin hứa rằng: nếu thời giờ cho phép, tôi sẽ ráng tìm hiểu thêm và sẽ cống hiến quí vị trong những quyển sách kế tiếp theo.
Niết Bàn là danh từ trừu tượng, khó cho người thông hiểu được dễ dàng, mà cũng khó cho vị Pháp sư hay vị Trí thức nào có thể giảng giải được rõ rệt.
Mặc dầu vị Ðại trí tuệ thuở xưa nổi danh là vị thông hiểu Tam-tạng nhứt là Ðại-đức Na-tiên Tỳ-kheo, cũng vẫn công nhận là khó diễn tả được.
Vì Niết Bàn là nơi Tuyệt đối. Mà vạn vật trên thế gian này đều là vật tương đối nên không thể đem lại để so sánh thí dụ cho dễ hiểu được.
Hơn nữa Niết Bàn cần phải hiểu rằng tuệ giác chứ không phải thấy bằng tâm thức được. Cũng như người nằm mộng, không thể chỉ giấc mộng của mình cho ai thấy được, hay là người đang nằm gần, ngồi gần mình, đang canh chừng mình cũng không thấy người đang nằm mộng thấy những gì.
Vì vậy nên Ðức Thế Tôn gọi là tự đắc và tự mình thấy mà thôi. Có thể nói chúng sanh là người bịnh, và các pháp như Trì-giới Tham thiền Trí-tuệ, hay Bát chánh đạo là thuốc.
Khi người uống thuốc trúng căn bịnh, đã mạnh thì người ấy biết mình mạnh và chỉ có người bịnh ấy mới biết rằng khi bịnh khổ chừng nào, mà khi mạnh cảm thấy trong mình như thế nào. Sự thơ thới không bịnh ấy chính là Niết Bàn.
Người bịnh ví như hành giả trong cái khổ của thân này do Phiền não. Bịnh này phải trị bằng Bát-chánh-đạo, khi hành đứng đắn thì căn bịnh càng thuyên giảm; khi căn bịnh là phiền não thuyên giảm bớt đi, đến dứt hẳn bịnh thì chỉ có hành giả biết mà thôi, chớ không ai biết, Cũng như người bịnh vậy, khi mạnh thì chỉ có người bịnh mới hiểu được mình.
Vì lý do ấy, nên Niết Bàn khó mà diễn tả bằng lời được. Chỉ có thể nói nơi ấy là nơi an vui tuyệt đối mà thôi.
Muốn dễ hiểu nơi đây tôi xin giải sơ lược về tiếng Niết Bàn.
Niết Bàn cũng có nhiều tên khác nhau là:
Vimutti, là giải thoát.
Nirodha nghĩa là Dụi tắt (phiền não).
Nirvana là Bắc phạn.
Nibbãna Niết Bàn là nam phạn.
Mặc dầu có nhiều tên chung qui cũng có một ý nghĩa là Dụi Tắt Phiền Não, Không Còn Khổ.
Tiếng Niết Bàn vẫn còn là tiếng Phạn nên chúng ta khó hiểu rõ rệt được. Tiếng Niết Bàn âm từ tiếng Nam phạn Nibbãna, hay Bắc phạn là Nirvana.
Xin chiết tự tiếng Nibbãna để quí vị có thể hiểu. Nibbãna chia ra làm hai phần là: Ni và Vãna.
Ni có nghĩa là ra, Vana nghĩa là rừng.
Muốn cho dễ đọc, Phạn ngữ đổi chữ Vana thành Bãna, khi chữ B đứng sau Ni có quyền thêm vào một chữ B nữa nên khi nối lại Nibbana có nghĩa là "Ra Khỏi Rừng".
Rừng đây ý nói Rừng Phiền Não. Phàm người ở trong rừng thì có rất nhiều tai nạn nguy hiểm như thú dữ, nước độc và phi nhơn, ngoài ra rất khó mà ra khỏi rừng được, thật dễ lạc mất lối đi. Ðây là rừng thường, còn cái rừng phiền não trong lòng ta, thì càng âm u, và nhiều cạm bẫy cùng các giống thú dữ.
Cái rừng ấy là Samyojana, ta dịch là Mười Kiết sử, nói cho dễ nghe là mười điều trói buộc chúng sanh, không cho giải thoát. Người lạc trong rừng thường có thể ra được, nhưng đối với rừng phiền não thì rất khó mà ra được.
Vì vậy nên Niết Bàn có nghĩa là người ra khỏi phiền não ở trong thâm tâm.
***
**
*
II.
Niết Bàn cũng còn có nghĩa là Dụi tắt. Ý nói phiền não là một thứ lửa vô hình mà rất nóng, hằng thiêu đốt chúng sanh nên chúng sanh, sanh trong hoàn cảnh nào, trường hợp nào cũng không khỏi khổ.
Dầu chúng sanh có cố gắng tìm sự an vui cho mình cũng chẳng hoàn toàn an vui được. Nên chi chư Thinh văn đệ tử Phật hằng ráng cố sức mình dụi tắt lửa phiền não bên trong, khi dụi tắt được là đã đắc Niết Bàn, có nghĩa là dụi tắt được Khổ.
Giải đến đây tưởng cũng nên nhắc lại câu Phật ngôn trong Tạng Kinh, Bộ Itivuttaka đoạn Dutĩyavagga. Bài kinh Sattamasutta dạy:
Idha Bhikkhave Bhikkhu Araham Hoti Pkhĩnasavo Vusitava Katakaraniyo Ohitabhabo Anuppattasadattho Parikhinabhavasamyojano Sammadanna Vimutto.
Nghĩa:
Này các thầy Tỳ-khưu, trong kiếp hiện tại này vị Tỳ-khưu nào đã xa lìa phiền não, hết những phiền não, ngủ ngầm trong tâm, đã hành tròn phạm hạnh, làm xong nhiệm vụ, để gánh nặng xuống, diệt tận kiết sử pháp, tạo điều lợi ích cho mình, đã giác ngộ và giải thoát.
Song nếu còn thân ngủ uẩn này gọi là Hữu Dư Niết Bàn.
Ý nói: Chư A-la-hán đã hoàn toàn giải thoát nhưng còn mang thân ngũ uẩn này vì chưa hết tuổi thọ của kiếp sống. Các Ngài vẫn sống như người thường, đây là còn dư sót thân nhưng không còn phiền não.
Khi các Ngài sống hết tuổi thọ xong, nhập diệt gọi là Vô Dư Niết Bàn.
Trong câu Phật dạy, có đoạn nói: "bỏ gánh nặng xuống". Có nghĩa là bỏ ba điều rất là nặng nề, thường do nơi ba điều ấy mà chúng sanh bị chìm trong biển khổ mãi. Ðó là:
1. Khandahbhãra, Gánh nặng ngũ uẩn.
2. Kilesabhãra, Gánh nặng phiền não.
3. Abhisankhãbhãra: Tạo tác nghiệp thiện hay ác là gánh nặng.
Có đoạn nói Diệt trừ tận Kiết sử, là mười điều tiếng Phạn gọi là Samyojana, nghĩa là những sợi dây trói buộc người lại trong biển trầm luân.
Tìm hiểu Ðạo Phật
Maha Thongkham Medivongs
Còn tiếp...